Sổ hồng đồng sở hữu là một khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều người. Nhiều người trong quá trình làm thủ tục chưa hoàn toàn hiểu về nó. Ưu và nhược điểm khi sử dụng sổ hồng đồng sở hữu là gì? Thủ tục làm sổ hồng đồng sở hữu như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về những vấn đề này.
Mục lục
- Sổ hồng đồng sở hữu là gì?
- Ưu và nhược điểm khi sử dụng sổ hồng đồng sở hữu
- Ưu điểm
- Khi tách thửa người sở hữu giải quyết trường hợp diện tích tối thiểu
- Người mua đất giấy tay
- Dành cho những người có thu nhập thấp
- Nhược điểm
- Thủ tục giấy tờ phức tạp
- Bất lợi cho người mua nhà sau này
- Thủ tục làm sổ hồng đồng sở hữu
Sổ hồng đồng sở hữu là gì?
Trước khi đến với khái niệm sổ hồng đồng sở hữu, hãy tìm hiểu sổ hồng riêng là gì:
Sổ hồng riêng là gì?
Đây là loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một chủ sở hữu. Ở đây thì người chủ sở hữu sẽ có số lô riêng, số thửa riêng. Người chủ sở hữu khi đứng tên chính trên sổ sẽ hoàn toàn có quyền quyết định mục đích sử dụng tài sản của mình.
Sổ hồng đồng sở hữu là gì?
Khác với sổ hồng riêng, chủ thể của sổ hồng đồng sở hữu gồm 2 người trở lên - không có quan hệ vợ chồng hay con cái. Sổ hồng đồng sở hữu còn có tên gọi khác là sổ riêng chung thửa, sổ hồng chung.
Sổ được chia thành nhiều bản có giá trị tương đương nhau, mỗi bản được cấp riêng cho cá nhân có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Điểm khác biệt chỉ ở chỗ tên người sở hữu, sổ của ai sẽ có tên người đó. Sổ chỉ ghi tổng diện tích. Việc từng chủ sở hữu có diện tích đất bao nhiêu sẽ tự làm biên bản thỏa thuận giữa các bên với nhau.
Trên bìa sổ hồng đồng sở hữu có thêm nội dung: “Cùng sử dụng đất với…”. Trong trường hợp các chủ thể yêu cầu, Giấy chứng nhận được cấp chung, trao cho người đại diện và phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất.
Sổ hồng đồng sở hữu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, được Nhà nước cấp và công nhận, áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,... theo Nghị định Chính phủ số 88/2009/NĐ-CP và Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT.
Ưu và nhược điểm khi sử dụng sổ hồng đồng sở hữu
Ưu điểm
Khi tách thửa người sở hữu giải quyết trường hợp diện tích tối thiểu
Ví dụ như ở địa bàn các quận Bình Tân, quận 7, 12, thành phố Thủ Đức và thị trấn các huyện quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa đất ở là 50m2, trong đó chiều rộng không nhỏ hơn 4m. Nếu bạn có đất diện tích nhỏ hơn thế nhưng vẫn muốn có cho mình sổ hồng thì việc “kết hợp” với người khác để xin sổ hồng đồng sở hữu sẽ là lựa chọn khá hợp lý.
Người mua đất giấy tay
Ưu điểm việc sử dụng sổ hồng đồng sở hữu là giúp những ai mua đất giấy tay tránh gặp phải rủi ro bị chủ đứng tên trên sổ lật kèo, bị cưỡng chế thi hành án. Nếu như chủ cũ dùng sổ để vay trả góp, muốn thực hiện thủ tục pháp lý thì cũng phải tốn thời gian chờ đợi chủ cũ ký tên.
Dành cho những người có thu nhập thấp
Sổ hồng đồng sở hữu sẽ giúp những người có thu nhập thấp, không đủ điều kiện kinh tế có thể cho mình một quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với mảnh đất nhất định.
Nhược điểm
Ngoài những ưu điểm kể trên thì việc sử dụng sổ hồng đồng sở hữu vẫn còn một số nhược điểm chưa thể khắc phục được như:
Thủ tục giấy tờ phức tạp
Điểm trừ lớn nhất của sổ hồng đồng sở hữu chính là thủ tục giấy tờ phức tạp, tốn nhiều thời gian. Những việc như tranh chấp, chuyển nhượng, ký kết, mua bán, xin xây dựng, thế chấp, ủy quyền, thừa kế,… mọi thứ có liên quan tới đất đều cần sự chấp thuận của tất cả các bên sở hữu của sổ hồng. Nếu một trong số các bên sở hữu không đồng ý thì sự việc sẽ rất phức tạp.
Bất lợi cho người mua nhà sau này
Đặc biệt, khi mua nhà có sổ hồng đồng sở hữu sẽ gây bất lợi cho người mua sau này về mặt giá bán (thường sẽ thấp hơn thị trường), khiến bạn mất nhiều thời gian và công sức để tìm người giao dịch.
Thủ tục làm sổ hồng đồng sở hữu
Phương án tốt nhất hiện nay để làm sổ hồng đồng sở hữu là làm thủ tục chuyển nhượng/mua bán quyền sử dụng đất/quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật. Thủ tục gồm các bước như sau:
Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Thẩm quyền công chứng: Tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh/thành phố nơi có bất động sản.
Hồ sơ yêu cầu công chứng (theo quy định tại Điều 40 Luật Công chứng)
- Phiếu yêu cầu công chứng
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch: Nội dung hợp đồng nêu rõ anh D chuyển nhượng một phần quyền sử dụng nhà đất cho bạn để bạn và anh D trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu nhà đất và sau khi đăng ký sang tên, hai người cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có
Trình tự thực hiện các bước trên theo hướng dẫn của Luật Công chứng sau đó nộp tại phòng Địa chính hoặc phòng Tài Nguyên & Môi Trường.
Thông qua bài viết trên, mong rằng bạn đã hiểu thêm về sổ hồng đồng sở hữu. Việc cân nhắc và xem xét kỹ càng ưu và nhược điểm của loại sổ này sẽ giúp bạn có được quyết định phù hợp, đúng đắn hơn cho nhu cầu của mình.